Bạn có biết cùng một món ăn, cùng một lượng thức ăn nhưng quy trình và thời gian ăn ảnh hưởng rất lớn tới đường huyết trong cơ thể không?
Việc ổn định đường huyết giúp chúng ta kiểm soát sự thèm ăn và cơn no tốt hơn. Khi đường huyết tăng vọt và giảm mạnh sẽ làm ta ăn nhiều hơn, thèm những món chứa nhiều đường và khó kiểm soát khẩu phần ăn hơn.
Đều là món thịt nướng, cơm trắng, rau luộc và canh. Nhưng nếu chúng ta ăn cơm, đồ ăn và rau xen kẽ cùng lúc sẽ làm đường huyết tăng cao thay vì ăn theo thứ tự. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc ăn rau trước, sau đó đến đồ ăn và cơm giúp tránh làm đường huyết tăng cao và cải thiện các triệu chứng của bệnh tiêu đường.
Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Saeko Imai thuộc Đại học Osaka, Nhật Bản đứng đầu đã thực hiện một nghiên cứu và kết quả cho thấy ở nhóm bệnh nhân tiểu đường, nếu họ bắt đầu ăn carbohydrate như gạo, lượng đường trong máu của họ đạt trung bình 195 mg trên 100 ml 2 giờ sau bữa ăn. Trong khi nếu họ ăn một số loại rau trước rồi sau đó ăn cơm, thì giá trị là 160 mg trên 100 ml. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra kể cả khi bạn không bị tiểu đường ăn rau trước và ăn các thực phẩm khác sau, có tác động tương tự đến lượng đường trong máu.
Chế độ ăn nhiều rau củ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết. Rau củ chứa nhiều chất xơ, giúp người bệnh tăng cường trao đổi chất, làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu nên ngăn cản tăng đường huyết đột ngột sau bữa ăn.
Comments